logo

CHUYÊN MÔN KẾT NỐI

Thứ 4 Ngày 25/10/2023 01:28:55 PM

Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử TRƯỜNG THCS TRẦN PHÚ - HOÀNG MAI

Trang chủ»Sinh hoạt chuyên môn»Tổ khoa học xã hội»Nhóm Văn»Hướng dẫn hoạt động chuyên môn Môn Ngữ văn

Hướng dẫn hoạt động chuyên môn Môn Ngữ văn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Hướng dẫn hoạt động chuyên môn

Môn Ngữ văn cấp THCS năm học 2023 – 2024

 

Để triển khai Nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn chuyên môn môn Ngữ văn cấp THCS một số nội dung sau:

 

1. Thực hiện kế hoạch giáo dục

 

-   Phòng GDĐT giao quyền chủ động cho các trường THCS xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực HS theo khung thời gian quy định; có đủ thời lượng cho luyện tập, ôn tập, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra định kỳ. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục môn Ngữ văn theo tinh thần Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT, Công văn số 4659/SGDĐT-GDPT ngày 31/12/2020 của Sở GDĐT. Các phụ lục kèm theo Công văn này được sử dụng tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án) môn Ngữ văn.

-   Kế hoạch dạy học môn Ngữ văn phải được trao đổi, góp ý, được Hội đồng trường phê duyệt, báo cáo phòng GDĐT trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề. Mỗi chủ đề có thể thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một (một số) bước trong tiến trình sư phạm của bài. Các nhiệm vụ học tập có thể thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp; chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho HS ở ngoài lớp học và ở nhà.

-   Thực hiện các nội dung dạy học theo qui định, chủ động về phương án dạy học, chuyển đổi linh hoạt, ứng phó với các tình huống. Kế hoạch giáo dục môn Ngữ văn của mỗi trường phải phù hợp với điều kiện thực tế của trường và khả năng học tập của HS. Phòng GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường tạo điều kiện cho các tổ/nhóm chuyên môn, GV chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong môn Ngữ văn và các chủ đề tích hợp, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và GV trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên.

-   Việc điều chỉnh nội dung dạy học môn Ngữ văn lớp 9 thực hiện theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ, Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 03/9/2020 của Sở GDĐT. Việc điều chỉnh thời lượng, trình tự của một số bài học được sắp xếp liền nhau không làm ảnh hưởng tới chỉnh thể cấu trúc chung, không gây khó khăn cho việc thực hiện. Tập trung hướng dẫn HS đạt kết quả cần đạt ghi ở đầu mỗi bài học để đảm bảo sau giờ học, HS nắm được kiến thức cơ bản nhất. Khi xây dựng kế hoạch dạy Ngữ văn của tổ chuyên môn, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018, chuẩn bị cho HS lớp 9 học theo Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 trong năm học sau (Văn bản trinh thám, thông tin…) theo Công văn số 94/SGDĐT – GDPT ngày 06/9/2021. Thực hiện Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục năm học 2022-2023.

-   Với Ngữ văn 6,7,8 theo Chương trình 2018: Phòng GDĐT và các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình 2018 môn Ngữ văn. Khuyến khích GV đọc tham khảo những SGK Ngữ văn 6, 7,  8 khác với SGK Ngữ văn 6, 7, 8 được lựa chọn của đơn vị.

-   Về dạy học tự chọn môn Ngữ văn thực hiện theo Công văn số 8607/BGDĐT– GDTrH ngày 16/8/2007 của Bộ GDĐT. Việc dạy học và đánh giá với HS khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện theo Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT ngày 29/12/2009 của Bộ GDĐT.

2. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

a) Đổi mới cách dạy, cách học

            - Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS; đổi mới đánh giá giờ dạy GV, xây dựng tiêu chí đánh giá dựa trên Công văn 10801/SGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2014 của Sở; đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án; tích cực ứng dụng CNTT phù hợp với nội dung bài học; tập trung dạy cách học, cách nghĩ; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kĩ năng và định hướng thái độ, hành vi cho HS; chú ý việc tổ chức dạy học phân hoá phù hợp các đối tượng.

          - Các nhiệm vụ học tập môn Ngữ văn có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ lên lớp, ở trong hay ngoài phòng học. Chú trọng tổ chức hợp lý cho HS làm việc cá nhân và theo nhóm; GV tạo điều kiện, hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu SGK và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng; vận dụng sáng tạo kiến thức đã học.

           - Tăng cường đổi mới PPDH Ngữ văn thông qua công tác bồi dưỡng và dự giờ thăm lớp; tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo, chuyên đề. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán bộ môn. Xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

          + Đối với dạy đọc: Xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học. Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Gắn dạy đọc với các hoạt động dạy viết, nói, nghe, thực hành tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng lớp học, cấp học.

           + Đối với dạy viết: Chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản. Tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ở mỗi bước, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản; từ đó, giúp học sinh hình thành kĩ năng viết của mình. Xây dựng và tăng cường sử dụng các bài tập dạy viết gắn với các tình huống thực tiễn và giả định để học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa yêu cầu học viết trong nhà trường với nhu cầu tạo lập các sản phẩm viết trong đời sống.

         - Giáo dục với các nội dung khác như Giáo dục đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh theo tinh thần lồng ghép và tích hợp ở môn Ngữ văn phải tự nhiên, phù hợp với nội dung bài học, làm cho bài học sinh động, gắn với thực tế hơn và không làm quá tải. Việc kiểm tra, đánh giá về tích hợp được lồng ghép trong kiểm tra, đánh giá môn học. Vận dụng có hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực đọc - hiểu và tạo lập văn bản, hình thành và phát triển tư duy theo đặc trưng môn học.

             - Khuyến khích tổ chức, thu hút HS tham gia các hoạt động góp phần phát triển năng lực như các hội thi năng khiếu, các hoạt động giao lưu với các nhà thơ, nhà văn;… trên cơ sở tự nguyện của CMHS, HS, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập; tăng cường tính giao lưu, hợp tác, không lấy thành tích của các hoạt động giao lưu làm tiêu chí để xét thi đua với các đơn vị.

             - Tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

              b) Đổi mới kiểm tra và đánh giá

              - Với lớp 9: Thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GDĐT. Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục. Khuyến khích thực hiện theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ, Công văn số 2605/SGDĐT– GDTrH ngày 15/8/2022 của Sở trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

            - Với lớp 6,7,8: Thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐT và Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ, Công văn số 2605/SGDĐT – GDTrH ngày 15/8/2022 của Sở GDĐT.

              - Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Tập trung thiết kế, sử dụng câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

           - Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

           - Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá HS trong việc thi và kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS. Không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình môn Ngữ văn; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn HS tự học ở nhà của Chương trình môn Ngữ văn.

          - Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập, vở học tập; qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu, báo cáo kết quả thực hành; qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. GV có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

           - Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm; đánh giá của GV với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của HS,... Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, tiến bộ của HS. Đối với HS có kết quả bài kiểm tra định kì không phù hợp với những nhận xét trong quá trình học tập (quá trình học tốt nhưng kết quả kiểm tra quá kém hoặc ngược lại), GV cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nếu thấy cần thiết và hợp lí thì có thể cho HS kiểm tra lại.

            - Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra cuối học kì, cuối năm học. Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kì môn Ngữ văn (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, việc xây dựng ma trận, đặc tả của đề kiểm tra cần phối hợp theo tỉ lệ phù hợp giữa các câu hỏi. Tăng cường thực hiện đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ người học. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu: 60%-70% cho Nhận biết, Thông hiểu; 30%-40% cho Vận dụng, Vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của HS ở từng học kỳ và từng khối lớp, GV và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao. Tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để HS được bày tỏ chính kiến về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

           - Các phòng GDĐT có thể ra đề kiểm tra học kì với lớp 6,7,8 cho các trường trên địa bàn: Cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực HS, khắc phục tình trạng học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học; bảo đảm nguyên tắc HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính HS, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

           - Tiếp tục duy trì và giữ vững chất lượng đại trà, quan tâm giáo dục mũi nhọn, coi trọng việc giúp đỡ HS học tập yếu kém. Các phòng GDĐT ra đề kiểm tra rà soát chất lượng HS lớp 9, học kì I, II chung lớp 9 với môn Ngữ văn và tổ chức chấm chéo và rút kinh nghiệm giữa các đơn vị. Việc thi chọn HSG lớp 9 thực hiện theo hướng dẫn hiện hành. Khuyến khích thành lập Câu lạc bộ Văn học để phát hiện bồi dưỡng HS có năng khiếu trong điều kiện không thi HSG lớp 6,7,8. Việc lập đội tuyển HSG lớp 9 cần có kế hoạch bồi dưỡng hợp lí, chú ý nâng cao khả năng vận dụng kiến thức đời sống xã hội, văn học sử, LLVH và năng lực cảm thụ văn chương,...phát huy sự sáng tạo trong diễn đạt và cảm nhận của HS. Sở tổ chức thi HSG vào tháng 01/2024. Ngoài việc ôn tập kiến thức toàn cấp, tập trung vào chương trình Ngữ văn cuối cấp; chú ý tính hệ thống, liên thông; đề thi gồm nhiều câu, có NLVH và NLXH.

            - Tổ chức tốt việc ôn tập phục vụ tuyển sinh vào 10 - THPT cho HS lớp 9 theo cấu trúc đề thi, chú ý mức độ nhận biết, thông hiểu; vận dụng – vận dụng cao của từng đơn vị kiến thức, cả NLVH và NLXH, kết hợp ôn và luyện với các dạng văn bản, bài tập. Chủ động chọn lựa danh sách GV đi chấm thi TS vào 10.

           3. Nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ.

          - Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

         - Phối hợp tốt với Sở GDĐT tổ chức tốt hội thi GVDG môn Ngữ văn cấp Thành phố tại cơ sở trong Học kỳ I đảm bảo thiết thực, hiệu quả có tác động tích cực đến hoạt động dạy học ở các đơn vị, nhà trường. Đảm bảo 100% GV lên lớp có giáo án mới (lớp 6,7,8), bổ sung (lớp 9) theo hướng đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS. Thực hiện đầy đủ nội dung thực hành trong các giờ Tiếng Việt, Làm văn, Nghe - Nói. Đảm bảo các quy định về hồ sơ, sổ sách chuyên môn, chú ý sổ sinh hoạt tổ nhóm, quy định đầu điểm, thực hiện quy chế về ghi điểm, sửa điểm. Tuyệt đối không được nhờ người chấm hộ bài kiểm tra của HS và nhờ cập nhật điểm trên hệ thống. Việc trả bài kiểm tra đúng tiến độ.

          - Các phòng GDĐT tổ chức tốt việc tập huấn về nội dung Dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS; tổ chức hoạt động trải nghiệm... với GV trên tinh thần sát chuyên môn, sát người, sát việc và trực tiếp.

          - Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, phòng theo hướng dẫn tại Công văn số 10801/SGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2014 của Sở; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho GV. Tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ GV cốt cán Ngữ văn trong các nhà trường. Thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo GV THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

        - Tổ chức tốt việc tập huấn đại trà GV Ngữ văn các mô đun theo phương thức bồi dưỡng qua mạng, thường xuyên, liên tục, ngay tại trường theo quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019; Thông tư số 18/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019; Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ GDĐT. Gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt TNCM trong trường/cụm trường theo Công văn số 3587/BGDĐT-GDTrH ngày 20/8/2019.

         Chủ động phối hợp, đặt hàng với các trường Đại học trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện dạy học SGK Ngữ văn 6,7,8 đã chọn và chọn SGK Ngữ văn 9. Chủ động phối hợp với NXB tổ chức tập huấn cho 100% GV Ngữ văn dạy lớp 9 theo Chương trình GDPT 2018.

          - Giữ vững nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn. Trọng tâm sinh hoạt tổ, nhóm là tổ chức nghiên cứu bài học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS và xây dựng các chủ đề dạy học. Việc dự giờ và phân tích giờ dạy các chủ đề tập trung vào phân tích hoạt động học của HS thông qua thực hiện các nhiệm vụ học tập với 4 yêu cầu (giao nhiệm vụ học tập cho HS; theo dõi và hỗ trợ HS thực hiện nhiệm vụ học tập; tổ chức cho HS báo cáo và thảo luận; kết luận, nhận định về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS). Tiêu chí phân tích giờ dạy chủ đề với 3 nội dung: Kế hoạch và tài liệu dạy học, tổ chức hoạt động học cho HS, hoạt động học của HS.

            - Các phòng GDĐT dành ít nhất 01 “Ngày chuyên môn”/ tháng để tập trung chỉ đạo việc lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học và các chủ đề tích hợp liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động giúp HS vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mỗi khối lớp của từng trường xây dựng 1-2 chủ đề/học kỳ và thực hiện dạy học theo chủ đề. Thời lượng của mỗi chủ đề tương đương với thời lượng của nhóm bài. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế.

          - Tổ chức tốt các chuyên đề, tạo điều kiện cho GV bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu đổi mới dạy học. Các hoạt động chuyên đề cần tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn trong việc giảng dạy các bài khó, tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS. Mỗi quận, huyện, thị xã tổ chức ít nhất 1 chuyên đề/năm học. Khuyến khích các cụm tổ chức hoạt động này.

           - Động viên HS tích cực tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53.

           4. Tăng cường quản lí đội ngũ GV, đổi mới công tác quản lí

           - Nhà trường chủ động rà soát đội ngũ, bố trí sắp xếp để đảm bảo về số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu GV môn Ngữ văn. Tăng cường công tác kiểm tra để điều chỉnh việc xây dựng và thực hiện tự chủ về kế hoạch giáo dục và kế hoạch dạy học của môn; biến quá trình kiểm tra thành tự kiểm tra, tự đánh giá của GV trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.

           - Phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học môn Ngữ văn để hỗ trợ GV tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng; phân công các trường dạy học và ghi hình bài học môn Ngữ văn để tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

           5. Tiếp tục thực hiện Trường học mới theo Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016; Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2017 về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện triển khai mô hình trường học mới; Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 05/4/2017 đánh giá kết quả học tập, rèn luyện HS theo mô hình này và chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện HS; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019 về việc xét tốt nghiệp học sinh mô hình trường học mới.

 

--------------------------------------


 

 

 

 

 

 

 

8

Tìm kiếm bài viết

Video

Thống kê truy cập

Bản đồ

Trường THCS Trần Phú

Địa chỉ: Số 16 - Đường Khuyến Lương - Phường Trần Phú

Điện thoại: 02436449436

Email: c2tranphu-hm@hanoiedu.vn