logo

CHUYÊN MÔN KẾT NỐI

Thứ 4 Ngày 25/10/2023 01:28:55 PM

Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử TRƯỜNG THCS TRẦN PHÚ - HOÀNG MAI

Trang chủ»Đề kiểm tra»Lớp 9»Môn Ngữ Văn»Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn 9

Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn 9

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG

Môn: Ngữ văn 9

Thời gian: 90 phút

PHẦN I (6,5 điểm) : Đọc  đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi:

 Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

– Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

– Ba…a…a…ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

                                         (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014).

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2: Xác định ngôi kể và tác dụng của ngôi kể trong văn bản chứa đoạn trích trên?

Câu 3: Chỉ ra  hai lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên.

Câu 4: Giải thích tại sao anh Sáu lại nhìn con với “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”?

Câu 5: Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ tình cảm cha con sâu nặng, cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay, trong đó có sử dụng câu có khởi ngữ và phép lặp để liên kết (gạch dưới  các từ ngữ được sử dụng là khởi ngữ và phép lặp trong câu).

 

PHẦN II (3,5 điểm): Đọc văn bản sau:

Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mải mê rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say mê công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau.

(…) Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này -  một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

                                           (Trích Lắng nghe lời thì thầm của trái tim, Phạm Lữ Ân)

Câu 1 : Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu văn in đậm trong đoạn trích trên.

Câu 2 :Xác định phép liên kết và chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa các câu sau:

Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn lựa chọn. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình.

Câu 3:    Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?

Hãy viết một đoạn văn nghị luận (độ dài 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

 

…………………………………….Hết…………………………………

Tìm kiếm bài viết

Video

Thống kê truy cập

Bản đồ

Trường THCS Trần Phú

Địa chỉ: Số 16 - Đường Khuyến Lương - Phường Trần Phú

Điện thoại: 02436449436

Email: c2tranphu-hm@hanoiedu.vn